Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM (MAUR), đến nay, tầng B1 ga Ba Son tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã cơ bản hoàn thành. Ðây là hạng mục thi công vượt tiến độ, sớm hơn 31 ngày so với kế hoạch trình UBND TP HCM trước đó. Ông Lê Văn Quang Vinh, quản lý gói thầu xây nhà ga – thuộc MAUR, nói việc hoàn thành hạng mục thi công này trước thời hạn là cột mốc đánh dấu nỗ lực rất lớn của MAUR và các nhà thầu thi công trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp.
Tất bật trên toàn tuyến
Không giấu được niềm vui, ông Lê Văn Quang Vinh chia sẻ như vậy là sau 7 năm chờ đợi, trong tháng 5 này, ga Ba Son (quận 1)sẽ hoàn thiện 100% về kiến trúc và cơ điện. Ðồng thời, sẽ gấp rút tái lập mặt bằng phía trên nhà ga, sớm bàn giao TP HCM để hoàn thiện và đồng bộ cảnh quan.
Chiều 4-5, ghi nhận tại công trường ga Ba Son, hàng trăm công nhân, kỹ sư vẫn đang tất bật với công việc để nhanh chóng hoàn thiện, kết nối thông suốt tuyến metro đầu tiên của TP HCM. Theo lời hẹn trước, hôm nay, chúng tôi cùng các kỹ sư của MAUR ghi nhận những hình ảnh đầu tiên tại tầng B1 nhà ga Ba Son. Ga ngầm này có 2 tầng và 5 lối lên xuống. Qua hết cầu thang bộ, lối dẫn vào tầng B1 được ốp đá sáng choang. Tầng B1 ga Ba Son thiết kế theo phong cách hiện đại, nổi bật với kiến trúc lượn sóng mang nét tương đồng với sông Sài Gòn. Ðây là điểm nhận diện so với 2 ga Bến Thành và ga Nhà hát Thành phố (cùng thuộc metro số 1).
Phải thừa nhận đường hầm dài 240 m nằm sâu 20 m dưới lòng đất của ga Ba Son khiến chúng tôi không khỏi choáng ngợp khi lần đầu được tận mắt chứng kiến. Ông Lê Thành Lê, quản lý gói thầu CP1b đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son (thuộc Liên danh Nhà thầu Shimizu – Maeda), cho biết tầng 1 của ga ngầm này là nơi có sảnh đợi, máy bán vé, cổng thu phí tự động, phòng hướng dẫn thông tin cho khách hàng… Sân ga, nơi có tàu dừng – đỗ để đón – trả khách nằm ở tầng 2. Lối số 1 lên xuống nhà ga nằm trên vỉa hè cặp tòa nhà VP Bank Tower Sài Gòn, lối số 2 nằm cập vỉa hè bên phía Công ty Ba Son, lối số 3 nằm cập bờ sông Sài Gòn, lối số 4 và 5 kết nối với dự án tòa nhà văn phòng thương mại dịch vụ khu phức hợp Sài Gòn – Ba Son. “Hiện tại, kiến trúc cơ bản của ga Ba Son đã hoàn thành. Bên cạnh cầu thang bộ, nhà ga ngầm còn có hệ thống thang máy, thang cuốn hiện đại. Trong nhà ga, chúng tôi còn bố trí các vệt màu vàng để người khiếm thị có thể tiếp cận” – ông Lê chia sẻ.
Trong khi đó, theo ông Sarashina, Giám đốc dự án gói thầu CP1b, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp đã gây nhiều khó khăn trong quá trình thi công của các nhà thầu. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của chủ đầu tư và tư vấn NJPT, nhà thầu đã có các giải pháp vượt qua khó khăn để tiến nhanh về đích. “Với tỉ lệ đạt hơn 95%, chúng tôi tin chắc rằng sẽ về đích đúng với kế hoạch đề ra” – Giám đốc dự án gói thầu CP1b khẳng định.
Ðại diện MAUR cho biết đến nay, tổng khối lượng dự án tuyến metro 1 đã đạt 84,44%. Trong đó, gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố) đã đạt khối lượng thực hiện 88,4%; CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son) đạt 95,76%; CP2 (đoạn trên cao và depot) đạt 92,21%; CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng về thiết bị) đạt 69,30%. “Hiện MAUR và các nhà thầu tiếp tục nỗ lực tăng tốc để dự án tuyến metro 1 về đích vào cuối năm nay và khai thác thương mại vào năm 2022” – ông Lê Văn Quang Vinh nhấn mạnh và cho biết hiện MAUR đã yêu cầu các nhà thầu tăng tốc tái lập mặt bằng ga Ba Son, đóng điện tại trạm điện Bình Thái, nhập khẩu các đoàn tàu tiếp theo, lắp đặt hệ thống đường ray, hệ thống cơ điện, thông tin tín hiệu… trên toàn tuyến.
Vỡ òa niềm vui
Với người dân trên đường Lê Lợi (phía trên ga Nhà hát Thành phố, quận 1) có lẽ 28-4 vừa qua là ngày đáng nhớ nhất. Bởi sau gần 7 năm bị “đóng băng” mọi mặt, con đường này đã “hồi sinh” khi rào chắn được dỡ, mặt đường tái lập và thông thoáng. Ðứng giữa con đường Lê Lợi thênh thang, ông Trần Văn Bá (ngụ quận 1) nói rào chắn đã được dựng lên khi cháu lớn của ông bước vào đại học, đến nay đã ra trường, có việc làm ổn định và một gia đình nhỏ. “Trong suốt thời gian đó, gia đình tôi vẫn mòn mỏi chờ đợi ngày metro số 1 hoàn thiện, lô cốt được dỡ bỏ để con đường này không còn điểm ùn tắc giao thông, cuộc sống ổn định hơn. Giờ thì mong mỏi đã thành hiện thực” – ông Trần Văn Bá xúc động.
Chị Nguyễn Thanh Kiều, bán hàng lưu niệm trên đoạn đường vừa mới được dỡ rào chắn, cho biết từ năm 2014, khi rào chắn dựng lên để thi công đoạn ga ngầm Nhà hát Thành phố, cửa tiệm của chị buôn bán chậm hơn trước do mặt bằng bị khuất, khách khó tìm thấy. Rồi liên tục 2 năm nay khi dịch Covid-19 xảy ra, việc buôn bán càng ế ẩm hơn, do thuê mặt bằng lâu dài nên chị phải gồng gánh, chịu lỗ. “Khi nghe tin lễ 30-4, rào chắn sẽ được tháo dỡ, mặt bằng thông thoáng trở lại, tiểu thương chúng tôi không mấy tin lắm nhưng giờ thì tin rồi. Mừng hơn bắt được vàng” – chị Kiều chia sẻ.
Tương tự, nhiều hộ kinh doanh thời trang, quán nước không giấu được niềm vui khi rào chắn trên đường Lê lợi được tháo dỡ hoàn toàn. “Khu này nổi tiếng là mua bán sầm uất, không chỉ đón khách trong nước mà còn lượng lớn khách quốc tế. Rào chắn được tháo dỡ, chúng tôi hy vọng việc kinh doanh sẽ thuận lợi hơn” – anh Tuấn, chủ cửa hàng thời trang trên đường Lê Lợi, khấp khởi. Không chỉ vậy, anh Tuấn còn tin rằng trong tương lai không xa, khu vực dọc tuyến metro số 1 này sẽ trở thành không gian đi bộ kết hợp mua sắm, thương mại sầm uất hơn trước.
Cùng chung niềm vui, bà Nguyễn Thị Tuyết (ngụ quận Bình Thạnh) bày tỏ từ ngày thống nhất đất nước đến nay, TP HCM có nhiều công trình hiện đại, bề thế được xây dựng nhưng tuyến metro số 1 chính là công trình đánh dấu sự phát triển tầm cao của TP. “Metro số 1 không chỉ là công trình có kinh phí đầu tư lớn nhất từ trước đến nay mà còn là sự đóng góp về công sức, trí tuệ của chính quyền, người dân thành phố. Bản thân tôi tin rằng sẽ sớm thấy chuyến tàu đầu tiên khởi hành” – bà Tuyết hào hứng. Theo bà, metro số 1 cán đích sẽ là động lực to lớn để “giấc mơ metro” phủ toàn TP HCM sớm thành hiện thực.
Ðoàn tàu số 2 và 3 sắp về đến TP HCM
Hitachi (nhà thầu gói thầu CP3) cho biết đoàn tàu số 2 và số 3 (loại 3 toa) thuộc tuyến metro số 1 đã lên tàu rời cảng ở Nhật Bản về Việt Nam vào ngày 1-5, sau 9 ngày, tàu sẽ cập cảng TP HCM.
Theo kế hoạch cụ thể mà phía nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) đã cập nhật, 4 đoàn tàu tiếp theo về TP sẽ là loại 6 toa, trong đó 2 tàu dự kiến chuyển về vào tháng 6, 2 tàu còn lại đưa về tháng 7. Trong 6 tàu sau khi đưa về depot Long Bình, nhà thầu Hitachi dự định cho hạ tải 5 tàu xuống đường ray T1, tương tự đoàn tàu 3 toa đầu tiên đưa về hồi tháng 10 năm ngoái và 1 tàu còn lại sẽ cho hạ tải xuống một đường ray khác.
Theo BQLĐS, đây là hạng mục thi công vượt tiến độ so với kế hoạch thi công ban đầu của nhà thầu là 30-5. Ban sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan triển khai tăng tốc thi công các hạng mục như hoàn thiện tầng B1 và tái lập mặt bằng Ga Ba Son, đóng điện tại trạm điện Bình Thái, nhập khẩu các đoàn tàu tiếp theo, lắp đặt hệ thống đường ray, hệ thống cơ điện, thông tin tín hiệu… trên toàn tuyến và lắp đặt trang thiết bị, hoàn thiện tại các nhà ga, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thi công của dự án.
Ban Quản lý Đường sắt đô thị phối hợp với nhà thầu Hitachi, tư vấn và các nhà thầu liên quan triển khai thi công hạng mục hệ thống cấp điện trên toàn tuyến metro số 1, với mục tiêu kết nối nguồn điện từ hai trạm điện 110kV Bình Thái và Tân Cảng để cấp nguồn cho các trạm điện nhà ga. Đây là sự kiện đánh dấu bước chuyển giai đoạn mạnh mẽ của dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Tp. Hồ Chí Minh, từ thi công kết cấu hạ tầng sang bước chuẩn bị cho giai đoạn vận hành thử nghiệm các thiết bị và chạy thử của dự án.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Tp. Hồ Chí Minh, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt thì hạng mục kéo cáp sẽ được hoàn thành trong quý 2/2021. Từ đó, nỗ lực đưa tuyến metro số 1 vận hành thử nghiệm và sớm đưa vào vận hành thương mại. Ông Huỳnh Hồng Thanh, Phó Trưởng ban Ban Quản lý đường sắt đô thị Tp. Hồ Chí Minh cam kết, Ban Quản lý Đường sắt đô thị sẽ cùng với các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công; trong quá trình điều hành dự án luôn đặt chất lượng của công trình làm tiêu chí quan trọng nhất để cùng nhau phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu với chất lượng cao và an toàn nhất. Cùng với đó, các đơn vị luôn đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả trên toàn công trường.
Để chuẩn bị cho vận hành metro số 1 trong năm 2021, ngay từ giữa tháng 12-2020, MAUR đã chủ động dự báo tình hình và xây dựng kế hoạch điều hành, quản lý dự án metro số 1 với những kịch bản hết sức cụ thể. Kịch bản này có thể ứng phó kịp thời với những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở GTVT đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, MAUR và Công ty HURC1 xây dựng kế hoạch triển khai các công việc cần thực hiện nhằm vận hành, khai thác hiệu quả tuyến metro số 1.
Nội dung chính của kế hoạch này bao gồm các nhóm công việc như: Đẩy nhanh tiến độ công tác xây dựng, chuẩn bị cho tiếp nhận, vận hành, khai thác tuyến; phát huy hiệu quả của tuyến; công tác truyền thông tuyên truyền… Ở mỗi nhóm thì có phân công công tác cụ thể, cơ quan, đơn vị chủ trì phối hợp, sản phẩm, thời gian hoàn thành. Hiện nay, UBND TP đang xem xét để ban hành kế hoạch trên.
Đối với nhân viên trực tiếp vận hành tuyến metro số 1, Công ty HURC1 đã tuyển chọn, phối hợp với MAUR chuyển tư vấn chung NJPT và Trường CĐ Đường sắt đào tạo cho 58 kỹ thuật viên lái tàu. Tính đến cuối tháng 11-2020, đã hoàn thành được 9/19 môn học lý thuyết. Hiện MAUR khẩn trương báo cáo UBND TP chỉ đạo cho phép ký kết Phụ lục hợp đồng số 19 của hợp đồng tư vấn chung để công tác đào tạo lái tàu được triển khai trở lại. Từ đó, công tác đào tạo kỹ thuật viên điều độ, trưởng ga được tư vấn chung NJPT sớm triển khai thực hiện.
Trong năm nay, tuyến metro số 1 sẽ dự kiến vận hành thử trên cao đoạn Long Bình – Bình Thái vào quý IV, sau đó tiến hành vận hành thử toàn tuyến. Ngoài ra, Bộ GTVT đang lấy ý kiến xây dựng thông tư về nội dung cấp giấy phép lái tàu trên các tuyến đường sắt đô thị mới đưa vào khai thác, vận hành có công nghệ lần đầu sử dụng tại Việt Nam. Nội dung này được thực hiện theo hướng sử dụng kết quả vận hành tàu an toàn trong thời gian vận hành thử nghiệm tuyến để làm cơ sở cho hội đồng đánh giá, Cục Đường sắt Việt Nam cấp giấy phép lái tàu.
Hệ thống giao thông vận tải nói chung, trong đó mạng lưới đường sắt đô thị nói riêng vừa là tiền đề, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội. TP ngày càng phát triển, nhu cầu đi lại ngày càng tăng nhanh dẫn đến vấn nạn kẹt xe, ô nhiễm không khí và tai nạn giao thông. Trong bối cảnh đó, các giải pháp về giao thông đường bộ như mở rộng đường, xây thêm cầu… chỉ có thể đáp ứng được trong ngắn hạn. Phát triển mạng lưới giao thông công cộng là giải pháp duy nhất, mang tính bền vững và lâu dài.
Link bài gốc: https://nld.com.vn/thoi-su/metro-sap-chay-roi-20210506213839577.htm