Nhóm chủ Techcombank không chỉ tài trợ tín dụng, mà còn đầu tư hợp tác kinh doanh, mua cổ phần, hay mua một phần tại các đại dự án của Vingroup.
“Không gì lời như đất”
“Ở Việt Nam, không gì kiếm lời bền vững như đất”, một lãnh đạo ngân hàng thương mại top đầu Việt Nam từng khẳng định với người viết một năm về trước, khi mà những cơn sốt đất đang bùng lên khắp các địa phương trên cả nước.
Đất có thể sốt, giá có thể tăng ảo ở một vài địa phương, một vài thời điểm. Nhưng xu hướng đi lên bền vững của giá đất là không phải bàn cãi. Trừ giai đoạn đóng băng 2012-2013, khó có năm nào lại ghi nhận giá đất suy giảm. Cũng bởi vì vậy mà rất nhiều tỷ phú Việt xuất thân từ đầu tư bất động sản, và nhiều tỷ phú khác sau khi đã thành công với lĩnh vực của mình, cũng… đầu tư bất động sản.
Gần đây nhất là Tập đoàn Hoà Phát, sau khi kiếm lãi hàng tỷ USD từ cơn sốt sắt thép 2 năm qua, Chủ tịch Trần Đình Long đã quyết định đầu tư bất động sản và tham vọng lọt top các nhà phát triển bất động sản lớn nhất cả nước.
Hay phổ biết hơn, là các ông chủ ngân hàng gần như đều sở hữu một tập đoàn bất động sản, từ HDBank – Sovico, TPBank – DOJI Land, MSB – TNR, SeABank – BRG, OCB – Hướng Việt, ABBank – Geleximco, VietABank – Việt Phương, VietBank – Hoa Lâm, NCB – Gami, NamABank – Hoàn Cầu, Kienlongbank – Sunshine, VPBank – MIK…
Như các nhà băng tư nhân khác, những ông chủ Techcombank, với lợi thế riêng biệt của mình, cũng không thể bỏ qua lĩnh vực màu mỡ này.
Những bước đi ban đầu của Masterise có phần tương đồng và cùng thời điểm với MIK Group. Trong khi tiền thân của Masterise là Thảo Điền Investment được thành lập năm 2007, thì 2 năm sau, pháp nhân lõi đầu tiên trong hệ sinh thái MIK Group đi vào hoạt động, là Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Khu Đông. Cả 2 đều ra đời trong bối cảnh nhóm chủ hiện tại hoàn tất chi phối Techcombank và VPBank.
Cùng thời điểm thành lập Thảo Điền, nhóm chủ Techcombank đã vào ngay từ đầu và sở hữu 50% cổ phần trong doanh nghiệp dự án 9-11 Tôn Đức Thắng (Quận 1, TP.HCM) là Công ty TNHH Dịch vụ Mai Thành, vượt trội nhóm Hoa Lâm (26,37%), Công ty Hải Thành (23,63%). Tỉ lệ này duy trì cho tới nay, còn lô đất 9-11 Tôn Đức Thắng hiện được biết tới là toà nhà Techcombank Saigon.
Nhìn một cách tổng quan, tham vọng địa ốc của MIK Group dường như là mạnh mẽ hơn, khi các thành viên tập đoàn này mạnh tay mua gom đất/dự án trên khắp cả nước. Đặc biệt tại Phú Quốc, gần như không có tập đoàn nào vượt qua được MIK về quỹ đất. Trong khi Thảo Điền Investment, dưới sự điều hành của cựu Chủ tịch Sacombank Kiều Hữu Dũng, tập trung đầu tư một số dự án mang thương hiệu Masteri ở TP.HCM, lần lượt cho ra mắt các dự án Masteri Thảo Điền, Masteri An Phú, Millennium, M-One Nam Sài Gòn, M-One Gia Định.
Cuối năm 2019, Masterise Group chính thức giới thiệu ra công chúng và ra mắt thương hiệu Masterise Homes – doanh nghiệp quản lý và phát triển tất cả thương hiệu bất động sản nhà ở của Tập đoàn.
Động thái này cũng thể hiện rằng, khác với doanh nghiệp cùng thời MIK Group chủ yếu tập trung vào bất động sản, tham vọng của Masterise không chỉ gói gọi trong mảng địa ốc.
Những bước đi của Masterise
Các mảnh ghép trong quá khứ phần nào thể hiện tham vọng này. Giai đoạn năm 2016, CTCP Đầu tư TCO Việt Nam và Techcom Capital – những thành viên trong hệ sinh thái Techcombank đã dành nhiều công sức với dự án khàng không SkyViet. Tuy hãng bay này không được cấp phép, song nó phần nào cho thấy tầm nhìn của Masterise.
Trong lĩnh vực năng lượng, Thảo Điền Investment, TCO Việt Nam và Trung Nam Group năm 2017 thành lập CTCP Thủy điện Trung Nam Bác Ái, nay là CTCP Điện gió Trung Nam Gia Lai – Xã Trang, có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, trong đó Thảo Điền nắm 28%, TCO Việt Nam có 22%.
Không chỉ hàng không hay năng lượng, nhóm Masterise ít nhiều quan tâm đến lĩnh vực y tế. Công ty TNHH Đầu tư Continental Pacific – pháp nhân có liên hệ đến Masterise vào cuối năm 2015 đã ký hợp đồng góp vốn và nhận cổ phần ưu đãi cổ tức với Vinmec – doanh nghiệp điều hành chuỗi bệnh viện cùng tên, với giá trị lên tới 3.235 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, Vinmec đã thế chấp 154,5 triệu cổ phần VRE tại Continental Pacific. Lưu ý rằng, Continental Pacific chỉ có vốn đăng ký 1 tỷ đồng.
Ở một thương vụ đáng chú ý khác, Continental Pacific tháng 9/2017 cũng đã chi ra số tiền tương tự, 3.235 tỷ đồng để mua 107,8 triệu cổ phần ưu đãi của CTCP Vinpearl, và nhận cổ tức ưu đãi cố định 10,5%/năm. Trong 2 năm 2017-2018, Vinpearl đã trả 680 tỷ đồng cổ tức bằng tiền mặt cho Continental Pacific.
Như đề cập ở kỳ trước, dòng vốn rẻ cho phép Masterise chọn chiến lược đầu tư thứ cấp, không mất thời gian phát triển dự án từ đầu. Và một tỉ lệ lớn dự án/khoản đầu tư của Masterise gắn liền với Vingroup.
Trong các đại dự án Vinhomes Gia Lâm, Vinhomes Smart City, Vinhomes Grand Park, hay tới đây là Vinhomes Dream City, Masterise đều có “phần”, đều nằm ở vị trí đẹp, quy mô lớn và được tập đoàn này phát triển với phân khúc cao cấp hơn hẳn chủ đầu tư hiện hữu hay một nhà đầu tư thứ cấp quen mặt khác – MIK Group.
Ít người biết rằng, bà Nguyễn Hương Liên, em dâu ông Hồ Hùng Anh từng là cổ đông lớn, trực tiếp nắm 31,63% cổ phần CTCP Phát triển Thể thao và Giải trí Mễ Trì – chủ đầu tư tổ hợp thương mại nay được biết đến với tên gọi Vinhomes Mễ Trì, có quy mô lên tới hơn 32ha ở Hà Nội.
Hay ở đảo Ngọc Phú Quốc, Công ty TNHH Dịch vụ Nghỉ dưỡnng Masterise World – thành viên Masterise Group có 10% cổ phần trong Công ty TNHH Bất động sản Newvision – chủ đầu tư dự án Grand World, trong khi Công ty TNHH Đầu tư Xuất nhập khẩu Tổng hợp Đức Mai (thành viên MIK Group) nắm tới 50%. Không chỉ góp vốn trực tiếp, CTCP Phát triển Du lịch Nam Hà – một pháp nhân có liên hệ tới Masterise năm 2018 đã ký thoả thuận hợp tác kinh doanh với Bất động sản Newvision.
Nằm ngay cạnh Grand World là khu Vinpearl Phú Quốc – khu phức hợp do CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc (PQTDIC) làm chủ đầu tư. PQTDIC cập nhật tới tháng 4/2017 có vốn điều lệ 7.500 tỷ đồng, trong đó có một cổ đông cá nhân, sở hữu 15% là ông Phạm Quốc Nhật. Ông Nhật hiện đứng tên tại Công ty TNHH Bất động sản Phương Đông Hà Nội – thành viên Masterise Group vào năm 2019 đã nhận chuyển nhượng 3,1ha đất trong dự án Vinhomes Smart City.
Tất nhiên, không chỉ trực tiếp sở hữu cổ phần, nhóm Masterise còn thông qua Techcombank tài trợ hàng nghìn tỷ đồng cho các dự án nêu trên.
Tại dự án Grand World Phú Quốc, Techcombank năm 2019 đã tài trợ tổng cộng gần 7.500 tỷ đồng, gồm gần 1.500 tỷ đồng vay ngắn hạn, 4.500 tỷ đồng vay dài hạn và 1.500 tỷ đồng trái phiếu cho CTCP Dịch vụ Newco, tương đương phần vốn đầu tư của doanh nghiệp này tại Công ty TNHH Bất động sản Newvision với số vốn 7.502 tỷ đồng.
Với PQTDIC, Techcombank/TCBS trong năm 2019 đã thu xếp phát hành khoảng 10.000 tỷ đồng trái phiếu cho doanh nghiệp này.
Lời kết
Những bài viết vừa qua phần nào phác hoạ những nét cơ bản trong hệ sinh thái Masterise Group. Thương hiệu dù mới nổi, song có thể thấy đã xây dựng được nền tảng từ rất lâu, phản ánh rõ nét tham vọng đa ngành của nhóm chủ tập đoàn này. Dòng vốn rẻ và dồi dào từ Techcombank, không thể phủ nhận, là một trong những động lực chính cho sự phát triển của Masterise.
Miễn là giới hạn cấp tín dụng, các tỉ lệ an toàn tài chính được tuân thủ một cách thực chất, thì sự vươn lên của Masterise có ý nghĩa rất tích cực, tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội và đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Ở chiều ngược lại, việc cấp tín dụng một cách ưu ái dẫn tới sự bất bình đẳng trên thị trường, đồng thời dòng vốn không chảy vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh được Chính phủ và NHNN khuyến khích, tác động đẩy giá đất tăng cao.
Những băn khoăn về mối quan hệ Masterise – Techcombank, có chăng sẽ cần được minh định rõ hơn với cổ đông, nhà đầu tư cũng như công chúng trong ĐHĐCĐ thường niên tới đây của Techcombank.
Nguồn dẫn: Hoa Liên/ Người Đưa Tin
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/chan-dung-masterise-group-bai-3-thuo-so-khai-cua-masterise-a546314.html