Home Hạ Tầng - Giao Thông Toàn cảnh ‘bức tranh’ quy hoạch đường sắt đô thị Hà Nội

Toàn cảnh ‘bức tranh’ quy hoạch đường sắt đô thị Hà Nội

by Toàn Cảnh BĐS

Trong 9 tuyến đường sắt đô thị Thủ đô, duy chỉ có tuyến 2A Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành và được đưa vào khai thác thương mại chính thức từ ngày 6/11 vừa qua; tuyến Nhổn – ga Hà Nội đã cơ bản hoàn thành công tác xây dựng đoạn Nhổn – Cầu Giấy, đang triển khai thi công đoạn Cầu Giấy – ga Hà Nội; các tuyến còn lại mới chỉ được giải phóng một phần mặt bằng hoặc chưa được triển khai.

Từ năm 1998, Chính phủ đã định hướng đầu tư, phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội. Theo quy hoạch, hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô gồm 9 tuyến với tổng chiều dài khoảng 318 km.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định xây mới các tuyến đường sắt đô thị kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh; kết hợp xây dựng công trình dịch vụ, công cộng với xây dựng các ga đường sắt đô thị.

Hiện nay, tiến độ triển khai các dự án này đều chậm so với dự kiến, đội vốn hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tính đến năm 2021, nguồn lực đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP Hà Nội là 34.437 tỷ đồng để thực hiện đầu tư đối với 4 dự án (tuyến số 1: 2.103 tỷ đồng, tuyến số 2: 974 tỷ đồng, 2A: 15.749 tỷ đồng và tuyến số 3: 15.611 tỷ đồng).

Theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 – 2025 của UBND TP Hà Nội, dự kiến ngân sách đầu tư trung hạn của thành phố cho hệ thống đường sắt đô thị ít nhất khoảng 50.000 tỷ đồng.

Trong giai đoạn này, thành phố đưa vào vận hành hai tuyến đường sắt đô thị vận tải hành khách khối lượng lớn, tốc độ cao là tuyến số 2A (Cát Linh – Hà Đông) và tuyến số 3 (Nhổn – Ga Hà Nội); đồng thời khởi công tuyến đường sắt đô thị số 2 (Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo); hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt đô thị số 3.2 (Trần Hưng Đạo – Hoàng Mai) và tuyến đường sắt số 5 (Văn Cao – Hòa Lạc).

Ngày 6/11 vừa qua, những đoàn tàu thuộc dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã chính thức lăn bánh sau 10 năm xây dựng, trở thành tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội và Việt Nam được đưa vào vận hành khai thác.

Sau đây là thông tin chi tiết về quy hoạch và tiến độ 9 đoạn tuyến đường sắt đô thị Hà Nội.

Tuyến số 1: Đang điều chỉnh quy hoạch đoạn Ngọc Hồi – Yên Viên

Tuyến số 1 gồm hai nhánh là Ngọc Hồi – Ga trung tâm Hà Nội – Gia Lâm – Yên Viên và Gia Lâm – Dương Xá (Phú Thụy). Tuyến đi trên cao kết hợp giữa đường sắt đô thị với đường sắt quốc gia, chiều dài tuyến khoảng 36 km, gồm 23 ga và hai đề pô tại Ngọc Hồi và Yên Viên. Tổng mức đầu tư 44.000 tỷ đồng. Đây là tuyến đường sắt đô thị xuyên tâm TP Hà Nội được Thủ tướng thông qua chủ trương đầu tư từ năm 2004.

Theo quy hoạch thì tuyến số 1 dự kiến khởi công từ năm 2007, nhưng đến nay chưa khởi công.

Nhánh Ngọc Hồi – Yên Viên có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh hơn 19.000 tỷ đồng (hơn 95 tỷ yên) từ vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản. Đoạn tuyến này đã triển khai thiết kế kỹ thuật, tuy nhiên, do một số vướng mắc liên quan đến kế hoạch thực hiện và xử lý thủ tục điều chỉnh nên dự án đang tạm dừng triển khai.

Báo cáo gửi Quốc hội của Chính phủ cho biết về kế hoạch vốn và tình hình giải ngân của dự án, nguồn vốn ODA đã giải ngân 842 tỷ đồng để thực hiện công tác thiết kế kỹ thuật của dự án (từ năm 2009 đến năm 2014).

Với nguồn vốn đối ứng đã giải ngân 1.412 tỷ đồng để thực hiện các công tác như giải phóng mặt bằng, quản lý dự án, chi phí tư vấn trong nước, chi phí khác.

Đáng chú ý, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 không bố trí vốn cho dự án do còn có các ý kiến về kế hoạch thực hiện và thủ tục điều chỉnh dự án.

Hiện nay, theo kết quả lập quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề xuất đường sắt quốc gia sẽ không đi vào khu vực trung tâm TP Hà Nội, phía nam sẽ dừng tại Ngọc Hồi, phía bắc dừng tại Yên Viên và tuyến đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi – Yên Viên chỉ đáp ứng công năng đường sắt đô thị.

Sau khi quy hoạch được duyệt, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải bàn giao dự án cho UBND TP Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện.

Đối với nhánh Gia Lâm – Dương Xá, theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự án này sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2020 – 2030.

Tuyến số 2: Đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo dự kiến vận hành vào năm 2027

Tuyến đường sắt đô thị số 2 bắt đầu từ sân bay Nội Bài – Nam Thăng Long – Nguyễn Văn Huyên (kéo dài) – Hoàng Quốc Việt – Hoàng Hoa Thám – Thuỵ khê – Phan Đình Phùng – Hàng Giấy – Hàng Đường – Hàng Ngang – Hàng Đào – Đinh Tiên Hoàng và cuối cùng đến Trần Hưng Đạo.

Tổng chiều dài toàn tuyến là 42 km, đi trên cao đoạn Nội Bài – Hoàng Quốc Việt và đi ngầm trên các đoạn còn lại với tổng số 32 ga và hai đề pô tại Xuân Đỉnh và Phù Lỗ, được tổ chức chạy tàu vành đai kết hợp hướng tâm.

Theo phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP Hà Nội, tuyến số 2 sẽ được kéo dài thêm 9 km đến Sóc Sơn sau năm 2030.

Tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo được phê duyệt đầu tư vào năm 2008 với tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng. Hiện nay, dự án đang được làm thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 35.679 tỷ đồng.

Lũy kế giải ngân từ khi bắt đầu thực hiện dự án đến tháng 8/2021 đạt 974 tỷ đồng, bao gồm 355 tỷ đồng từ nguồn vốn đối ứng và 619 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA.

Chiều dài tuyến 11,5 km, trong đó, đoạn đi ngầm dài 8,9 km, đoạn đi trên cao dài 2,6 km. Công trình gồm ba ga đi trên cao, 7 ga ngầm và một khu đề pô.

Về công tác giải phóng mặt bằng, tại khu vực depot, diện tích thu hồi là 17,58 ha, đã giải phóng mặt bằng 100% diện tích đất nông nghiệp, đất cơ quan, đất quốc phòng; phần đất ở đang thực hiện các thủ tục kiểm đếm giải phóng mặt bằng.

Tại phần tuyến và ga trên cao đã giải phóng mặt bằng khoảng 82% diện tích và phần ga ngầm đã thực hiện khoảng 79% diện tích.

Dự kiến sẽ vận hành công trình toàn tuyến vào năm 2027, kết thúc công tác đào tạo vận hành bảo dưỡng từ 2027 đến 2032.

Tuyến số 2A: Chính thức đưa vào khai thác thương mại từ 6/11

Tuyến số 2A Cát Linh – Hà Đông dài khoảng 13 km với 12 nhà ga đã hoàn thành và được đưa vào vận hành chính thức vào ngày 6/11 vừa qua, trở thành tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội và Việt Nam khai thác thương mại.

Tổng cộng toàn tuyến có 13 đoàn tàu hoạt động, quy mô thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đôi, khổ 1.435 mm với tốc độ tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác là 35 km/h.

Đây là công trình đường sắt đô thị thí điểm đầu tiên được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt vào năm 2008, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 11/2013.

Tuy nhiên, tới tháng 10/2011, dự án mới chính thức được khởi công, thời hạn hoàn thành và khai thác thương mại lùi sang năm 2015.

Sau đó, trong quá trình triển khai, dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên liên tiếp lùi tiến độ tới tháng 6/2016.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành nghiệm thu tổng thể vào tháng 3/2021 và đã được cấp chứng nhận an toàn hệ thống, đủ điều kiện để bàn giao đưa vào vận hành khai thác. Toàn bộ kết quả này đã được báo cáo gửi Hội đồng kiểm tra nhà nước.

Sau nhiều lần trễ hẹn, vào cuối tháng 10, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã đồng ý kết quả nghiệm thu có điều kiện của Bộ Giao thông vận tải, bước đánh giá cuối cùng để đưa dự án vào khai thác thương mại.

Ngày 6/11 vừa qua, Hà Nội chính thức vận hành thương mại dự án đường sắt đô thị đầu tiên Cát Linh – Hà Đông. Sau một thập kỷ xây dựng, người dân Thủ đô nay có thêm một phương tiện công cộng mới ngoài xe buýt.

Trong 15 ngày đầu, tuyến đường sắt sẽ phục vụ hành khách miễn phí, mở cửa từ 5h30 và đóng vào 20h hàng ngày.

Sau thời gian trên, trong 6 tháng tiếp theo, tuyến đường sắt này sẽ vận hành 6 đoàn tàu, với thời gian giãn cách khoảng 15 phút/chuyến. Trong 6 tháng tiếp theo sẽ vận hành 9 đoàn, khoảng 10 phút/chuyến.

Khi khai thác thương mại, tuyến sẽ mở từ 5h30 sáng và kết thúc 22h30; giờ bình thường vận hành 10 phút/chuyến, còn giờ cao điểm 6 phút/chuyến.

Về giá vé hành khách, mức giá được xây dựng trên cơ sở khuyến khích người dân sử dụng phương tiện hành khách công cộng và được phê duyệt, được cài đặt vào phần mềm trên máy bán vé.

Cụ thể, giá vé mở cửa là 7.000 đồng/lượt, theo chặng từ 8.000 đồng đến 15.000 đồng/lượt. Giá vé ngày là 30.000 đồng/ngày. Vé cũng được bán theo tháng (không định danh 200.000đ/người, có định danh là 100.000đ/người). Nhiều đối tượng được miễn phí đi xe buýt cũng sẽ được miễn phí đi tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông có vốn đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD).

Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt vào tháng 2/2016 và tháng 5/2017 là 18.001,5 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), tăng 9.231,632 tỷ đồng (tương đương 315,18 triệu USD) so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.

Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc (13.867,1 tỷ đồng) và vốn đối ứng trong nước (4.134,4 tỷ đồng).

Dự kiến sau năm 2030 sẽ kéo dài tuyến số 2A từ Hà Đông đến Xuân Mai, chiều dài khoảng 20 km, theo hướng quốc lộ 6, bố trí đề pô tại Xuân Mai.

Tuyến số 3: Lùi tiến độ đoạn trên cao Nhổn – ga Hà Nội sang năm 2022

Tuyến đường sắt đô thị số 3 có lộ trình đi qua Trôi – Nhổn – ga Hà Nội – Hoàng Mai với chiều dài khoảng 26 km, tuyến đi trên cao đoạn Trôi – Cầu Giấy và chủ yếu đi ngầm trên đoạn còn lại với tổng số 26 ga.

Dự kiến sau năm 2030 sẽ kéo dài tuyến số 3 tới từ Nhổn đi đô thị vệ tinh Sơn Tây theo hướng quốc lộ 30 km, bố trí đề pô tại Sơn Tây.

Tuyến này đã chạy thử 8,5 km đoạn Nhổn – ga Hà Nội, riêng 4 km đi ngầm từ Cầu Giấy đến ga Hà Nội đang được gấp rút thi công.

Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội được UBND thành phố phê duyệt vào tháng 4/2009, phê duyệt điều chỉnh vào tháng 6/2013.

Tổng chiều dài tuyến chính 12,5 km, trong đó đoạn đi trên cao dài 8,5 km, đoạn đi ngầm khoảng 4 km, đường sắt khổ 1.435 mm, 8 ga trên cao, 4 ga ngầm.

Điểm đầu tại Nhổn – theo quốc lộ 32 – Cầu Diễn – Mai Dịch – Nút giao với đường vành đai 3 – Cầu Giấy (nút giao với đường vành đai 2) – Kim Mã – Giảng Võ – Cát Linh – Quốc Tử Giám – điểm cuối Ga Hà Nội (trên đường Trần Hưng Đạo, trước ga Hà Nội).

Tổng mức đầu tư dự án là 783 triệu euro, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 1.176 triệu euro, nguồn vốn từ vốn vay ODA của 4 nhà tài trợ và vốn đối ứng ngân sách TP Hà Nội.

Về tình hình giải ngân, tính đến 15/8/2021, lũy kế giải ngân là 15.611,2 tỷ đồng (đạt 47,4% so với tổng mức đầu tư), trong đó, vốn ODA 12.843,1 tỷ đồng, vốn đối ứng: 2.768,1 tỷ đồng.

Tiến độ chung metro Nhổn – ga Hà Nội hiện đạt khoảng 74%, tiến độ tổng thể đoạn trên cao đạt 89,41%, do nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện nên chưa đưa vào khai thác đoạn trên cao theo kế hoạch và dự kiến sẽ phải điều chỉnh tiến độ hoàn thành đoạn ngầm và toàn tuyến.

Về công tác giải phóng mặt bằng, đối với đoạn trên cao, đến nay đã hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà thầu thi công từ năm 2014.

Đối với các ga ngầm, trong tổng số 186.522 m2 (gồm 185.879 m2 và 643 m2 theo thu hồi đất bổ sung), đã thu hồi 186.464 m2 (chiếm 99.97%). Phần diện tích còn lại chưa được thu hồi là 57,62 m2 tại các ga S9 và S11.

Hà Nội đang tiếp tục chỉ đạo UBND các quận đề xuất tháo gỡ khó khăn vướng mắc và hoàn thành giải phóng mặt bằng các ga ngầm chậm nhất vào quý IV năm 2021.

Mới đây, trong báo cáo gửi Quốc hội về tình hình triển khai 6 dự án đường sắt đô thị, Chính phủ cho biết nhà thầu thi công ga và tuyến ngầm dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội là liên danh Hyundai – Ghella (HGU) đã gửi ba khiếu nại yêu cầu bồi thường 114,7 triệu USD. Đồng thời, HGU đề nghị chấp thuận thanh toán, nếu không sẽ không thể tiếp tục công việc và tiến hành thủ tục khiếu nại lên trọng tài quốc tế.

Trên thực tế, từ tháng 6 năm nay, nhà thầu này đã giảm khối lượng công việc trên công trường và có văn bản thông báo tạm dừng công việc.

Giai đoạn từ nay đến 2026, Hà Nội dự kiến tiếp tục xây dựng tiếp tuyến số 3, đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai với chiều dài 12,5 km, trong đó, đi trên cao 8,5 km và đi ngầm 4 km. Tổng mức đầu tư dự án là 40.577 tỷ đồng.

Đoạn tuyến này sẽ nối dài tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội ở ga Trung tâm (có kết nối tuyến đường sắt đô thị số 1 và tuyến đường sắt quốc gia); kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 2 tại ga Hàng Bài; tuyến đường sắt đô thị số 4 tại vành đai 2,5; tuyến đường sắt đô thị số 8 tại vành đai 3 tạo nên sự gắn kết của mạng lưới đường sắt đô thị.

Tuyến số 4 dài nhất với 54 km

Tuyến số 4 có lộ trình Mê Linh – Đông Anh – Sài Đồng – Vĩnh Tuy – Vành đai 2,5 – Cổ Nhuế – Liên Hà với chiều dài khoảng 54 km

Đoạn từ Mê Linh – Đông Anh – Sài Đồng – vượt sông Hồng – Vĩnh Tuy – Thượng Đình được quy hoạch đi cao, từ Thượng Đình – Hoàng Quốc Việt được quy hoạch đi ngầm, đoạn từ Hoàng Quốc Việt – Liên Hà quy hoạch đi trên cao.

Tổng số ga trên tuyến 41 ga và hai đề pô tại Liên Hà (Đan Phượng) và Đại Mạch (Đông Anh).

Tuyến số 4 kết nối với các tuyến số 1, số 2A, số 3 và số 5. Đoạn đi dọc đường vành đai 2,5 tuyến số 4 xem xét đi trùng ray với tuyến số 2 và tổ chức chạy tầu phù hợp.

Giai đoạn đầu khi chưa xây dựng đường sắt đô thị bố trí xe buýt nhanh trên từng đoạn nghiên cứu tiền khả thi dự án

Tuyến số 5: Dự kiến hoàn thành vào năm 2026

Tuyến số 5 có lộ trình đường Văn Cao – Ngọc Khánh – Đại lộ Thăng Long – Vành đai 4 – Hòa Lạc với chiều dài khoảng 39 km, tổng vốn đầu tư 65.000 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2026.

Trong đó, đoạn từ Nam Hồ Tây – Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng – Trung tâm Hội Nghị Quốc gia đi ngầm, đoạn tiếp theo đi trên mặt đất hoặc đi trên cao trong phạm vi dải phân cách giữa của Đại lộ Thăng Long.

Tổng số ga trên tuyến 17 ga và hai đề pô tại Sơn Đồng (Hoài Đức) và Hòa Lạc.

Hồi đầu tháng 6, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương thuê tư vấn thẩm tra để thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội “tuyến số 5, Văn Cao -Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc”.

Tuyến số 6, 7, 8: Sẽ hoàn thành sau năm 2030

Tuyến đường sắt số 6 có lộ trình Nội Bài – Phú Diễn – Hà Đông – Ngọc Hồi với chiều dài khoảng 43 km, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2020 – 2030. Tuyến được xây dựng trên cơ sở tuyến đường sắt vành đai phía Tây hiện tại và quy hoạch là tuyến đi cao hoặc đi bằng với tổng số 29 ga và hai đề pô tại Ngọc Hồi và Kim Nỗ.

Tuyến đường sắt số 7 có lộ trình đi qua Mê Linh – Đô thị mới Nhổn – Vân Canh – Dương Nội với chiều dài khoảng 28 km. Tuyến đi trên cao toàn bộ hoặc đi cao kết hợp đi ngầm trong đoạn đô thị Đông vành đai 4, với tổng số 23 ga và một đề pô tại Mê Linh. Dự án này dự kiến được triển khai trong giai đoạn 2020 – 2030.

Đối với tuyến đường sắt đô thị số 8, tuyến này sẽ có lộ trình từ Sơn Đồng – Mai Dịch (trung chuyển với tuyến số 2) – vành đai 3 – Lĩnh Nam – Dương Xá với chiều dài khoảng 37 km, hoàn thành toàn tuyến sau năm 2030. Đoạn từ Sơn Đồng – Mai Dịch quy hoạch đi cao, đoạn tuyến đi theo vành đai 3 đến Lĩnh Nam đi ngầm, đoạn tuyến từ Lĩnh Nam – vượt sông Hồng – Dương Xá đi trên cao.

Tổng số ga trên tuyến 26 ga và hai đề pô tại Sơn Đồng và Cổ Bi. Trên tuyến có thể sử dụng xe buýt nhanh từng đoạn phụ thuộc vào lưu lượng giao thông của các giai đoạn.

Theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội còn có các tuyến tàu điện một ray (monorail) nhằm hỗ trợ và khai thác tốt hơn cho toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị gồm: (1) Liên Hà – Tân Lập – An Khánh dài Khoảng 11 km; (2) Mai Dịch – Mỹ Đình – Văn Mỗ – Phúc La, Giáp Bát – Thanh Liệt – Phú Lương dài Khoảng 22 km; (3) Nam Hồng – Mê Linh – Đại Thịnh dài khoảng 11 km, sau này tuyến có thể kéo dài lên Phúc Yên.

Nguồn dẫn: Doanh nghiệp niêm yết

Link bài gốc: https://vietnammoi.vn/toan-canh-buc-tranh-quy-hoach-duong-sat-do-thi-ha-noi-20211029205550062.htm

Có thể bạn thích