Khu đô thị trung tâm TP Thủ Đức – Trường Thọ, Khu đô thị Tây Bắc, khu cảng Hiệp Phước… được hiện lên theo quy chế quản lý kiến trúc mới của TP.
Theo Quy chế Quản lý kiến trúc của TP.HCM vừa được ban hành thì hình hài nhiều khu đô thị được thể hiện rõ trên ban đồ. Trong ảnh là phục lục quy chế thể hiện hình ảnh khu đô thị tương lai Trường Thọ, khu này được lựa chọn là trung tâm TP Thủ Đức, khu đô thị có lợi thế sát sông Sài Gòn và tuyến huyết mạch xa lộ Hà Nội với đường sắt metro 1 sắp đi vào vận hành.
Khu công nghệ cao TP.HCM đang dần hoàn thiện, được xem là một trong những khu đô thị hạt nhân tương lai của TP Thủ Đức.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm, được kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính quốc tế tương lai của TP Thủ Đức.
Gần đó là khu đô thị Bình Qưới – Thanh Đa, quận Bình Thạnh. Bán đảo này được phê duyệt quy hoạch từ năm 1992 với diện tích khoảng 426 ha, mục tiêu trở thành khu đô thị mới với đầy đủ chức năng theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại, phục vụ dân số 41.000 – 50.000 người. Tuy nhiên, việc treo quy hoạch hàng chục năm qua khiến khu này vẫn là “bán đảo” chờ quy hoạch, chưa phát triển xứng tầm với vị trí địa lý, cảnh quan.
Một trong những khu đô thị tương lai được kỳ vọng phía Tây Bắc TP là khu đô thị Tây Bắc. Quy hoạch phân khu của khu đô thị Tây Bắc, huyện Củ Chi, TP.HCM, đang được xem xét điều chỉnh giảm quy mô diện tích từ 6.084ha xuống 4.410ha.
Khu đô thị mới Nam TP được Chính phủ phê duyệt quy hoạch năm 1994. Theo đồ án quy hoạch 1/5.000 của UBND TP.HCM, Khu Nam có diện tích 2.975 hecta. Vị trí nằm ở phía Nam TP.HCM, nằm trên địa bàn các quận 7, 8 và huyện Bình Chánh. Hiện nay toàn khu có 94/132 dự án đã và đang triển khai với quy mô 2.137 hecta. Hiện đã bồi thường, giải phóng mặt bằng được hơn 1.800 hecta, chiếm tỷ lệ 66%. Còn khoảng 1.000 hecta đất chưa giải phóng mặt bằng.
Khu phía Nam TP.HCM còn có nhiều khu đô thị hoành tráng đang chờ “thức tỉnh”. Như khu đô thị cảng Hiệp Phước. KĐT cảng Hiệp Phước có ba giai đoạn gồm: Giai đoạn 1 (đầu tư vào các khu công nghiệp) đã xong; giai đoạn 2 (đầu tư hệ thống cảng và dịch vụ cảng) đang bồi thường (80%); giai đoạn 3 (phát triển một KĐT với quy mô gần 200.000 dân) đang chờ xử lý.
Khu này còn có khu đô thị Sing – Việt. Dự án khu đô thị Sing – Việt có diện tích hơn 331 ha đã có chủ trương quy hoạch từ năm 1997 với tổng vốn đầu tư dự kiến là 300 triệu USD. Khu tái định cư có diện tích toàn khu khoảng 63,8 ha, tổng mức đầu tư khoảng 1.077 tỉ đồng. Năm 2009, dự án bắt đầu triển khai, song đến nay mới có khoảng 50% số hộ dân được chi trả bồi thường.
Một khu đô thị tương lai cũng được mong chờ là Khu đô thị Phước Kiển – Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) hay còn gọi là Khu đô thị GS (Công ty GS Engineering & Construction), Dự án này được xem là khu đô thị lớn thứ hai tại khu Nam Sài Gòn sau khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7. Tọa lạc mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè, quy mô lên đến 349.4 ha, gồm biệt thự, khu căn hộ thấp tầng, khu căn hộ cao tầng, khu nhà ở phức hợp.
Một dự án về phía Biển là dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ (huyện Cần Giờ). Ngày 12-6-2020, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ có tổng diện tích gần 3.000 ha với tổng mức đầu tư 217.000 tỷ đồng.
Nguồn dẫn: Kiên Cường/ Báo Pháp luật TPHCM
Link bài gốc: https://plo.vn/do-thi/hinh-hai-10-khu-do-thi-tuong-lai-o-tphcm-1052115.html